38 Nguyễn Thị Thập, P. Bình Thuận, Quận 7, TpHCM
0907 456 887

ĐÁNH BÓNG Ô TÔ

Đánh bóng sơn xe ô tô thường khiến nhiều người nhầm lẫn so với phủ sáp, nhưng lại là giai đoạn quan trọng để giúp cho lớp sơn có vẻ ngoài sáng bóng nhất.

Luôn có nhiều nhầm lẫn khi nói đến các từ và thuật ngữ được sử dụng trong ngành chăm sóc ô tô (Detailing). Một phần lý do đến từ việc không có tổ chức nào cụ thể trong ngành Detailing ô tô trong nước ta điều chỉnh hoặc giám sát thuật ngữ được sử dụng để mô tả và tiếp thị các sản phẩm chăm sóc xe. Các nhà sản xuất, quảng cáo và phân phối các sản phẩm chăm sóc xe ô tô có thể tự đặt tên cho sản phẩm của họ bằng bất kỳ thuật ngữ nào họ muốn, bất kể sự nhầm lẫn mà chúng có thể gây ra về sau.

Đánh bóng sơn xe ô tô là gì?

Đánh bóng sơn xe ô tô là quá trình loại bỏ những hư hỏng nhỏ của lớp sơn trong (như các vết trầy xước và vết xoáy trên ô tô) bằng cách sử dụng các hợp chất xi đánh bóng để làm phẳng lớp sơn trong, giúp tăng độ bóng của bề mặt. Quá trình đánh bóng có thể được thực hiện bằng máy hoặc bằng tay và sau đó sẽ được tăng cường thêm lớp phủ bảo vệ sơn như phủ sáp, phủ sealant hoặc các lớp khác (Ceramic, Graphene, phim bảo vệ sơn PPF,…).

Hợp chất đánh bóng có chứa chất mài mòn nhẹ ở dạng lỏng, được thiết kế để loại bỏ lớp sơn trong suốt bị hư hỏng, nhằm để lộ ra một lớp sơn phẳng mới. Bằng cách áp dụng theo chuyển động tròn trên máy đánh bóng, khi chất đánh bóng đã được xử lý, phần cặn có thể được lau sạch bằng khăn sợi nhỏ. Có thể mất nhiều lần thử trên cùng một khu vực để đạt được mức độ hoàn thiện cần thiết.

Phân biệt giữa đánh bóng và hiệu chỉnh sơn ô tô

Thuật ngữ này có thể gây lầm tưởng cho nhiều người. Có thể nói hiệu chỉnh sơn chính là đánh bóng sơn xe ô tô và ngược lại. Chúng là hai mặt của đồng tiền, đều có tác dụng tương ứng giúp tăng độ bóng của bề mặt sơn thông qua quá trình loại bỏ các khuyết tật sơn không mong muốn.

Tuy nhiên, hiệu chỉnh sơn bao gồm nhiều quá trình đánh bóng khác nhau, theo từng theo đoạn cụ thể. Để hiểu rõ hơn về hai thuật ngữ đánh bóng và hiệu chỉnh sơn, bạn có thể tìm hiểu thêm TẠI ĐÂY! Chúng tôi đã giải thích rất chi tiết.

Sự khác nhau giữa đánh bóng sơn xe ô tô và phủ sáp

Đánh bóng và phủ sáp là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên vẫn có khá nhiều chủ xe chưa hiểu rõ bản chất của chúng.

Các hợp chất được sử dụng để đánh bóng sơn xe ô tô có tính mài mòn, nghĩa là chúng có khả năng làm phẳng lớp sơn trong suốt (lớp sơn trên cùng của ô tô). Điều này giúp loại bỏ bất kỳ khiếm khuyết sơn nào (vết xoáy, vết trầy xước) thường xảy ra trong quá trình rửa xe không đúng cách hoặc các kỹ thuật hiệu chỉnh sơn. Mục đích tổng thể của đánh bóng là để cải thiện mức độ bóng trên xe. Nói một cách đơn giản, lớp sơn trong suốt càng phẳng thì sơn càng bóng.

Ngược lại, sáp hoặc sealant không có tính chất mài mòn và chúng sẽ để lại một lớp bảo vệ trên bề mặt sơn giúp xe tránh khỏi tia cực tím có hại, bụi bẩn hoặc các chất ô nhiễm khác,… Chúng không có khả năng làm phẳng lớp sơn trong suốt vì không chứa chất mài mòn. Chất đánh bóng không bảo vệ lớp sơn, vì vậy điều quan trọng là phải phủ thêm lớp bảo vệ sơn (sáp, sealant,…) sau khi đánh bóng để tăng cường thêm một lớp phủ bảo vệ.

Một lớp hoàn thiện thực sự bóng loáng chỉ đến từ độ phẳng của lớp sơn trong, chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào thứ mà bạn phủ lên trên xe. Đánh bóng sơn xe ô tô sử dụng các hợp chất giúp mài mòn những khiếm khuyết trên bề mặt sơn, còn phủ sáp là sử dụng sản phẩm đánh bóng sau để bảo dưỡng lớp sơn sau khi hiệu chỉnh bề mặt.

Quá trình đánh bóng có thể loại bỏ khiếm khuyết sơn nào?

Lớp sơn trong suốt trên ô tô rất hiếm khi phẳng hoàn toàn và sẽ có một số mức độ hư hỏng khác nhau, trừ khi ô tô vừa được đánh bóng và bảo dưỡng tốt. Đánh bóng chỉ có khả năng loại bỏ các khuyết tật sơn phổ biến như:

Vết xước xoáy: Khuyết tật sơn phổ biến gây ra bởi quá trình rửa xe và hiệu chỉnh sơn không đúng cách, thường có dạng xoáy hình tròn, tập trung bởi nhiều vết xước nhỏ li ti.

Vết trầy xước nhẹ: Gây ra bởi các vật cứng (cành cây, nhựa, kim loại,…)

Vết đốm nước ăn mòn: Nước trên bề mặt sơn sau khi đi mưa không được rửa sạch, chúng khô lại và dưới ánh nắng mặt trời để lại các vết đốm nước bẩn có thể ăn mòn lớp sơn.

Vết sơn vỏ cam: Quá trình sơn lại xe không có đúng kỹ thuật có thể tạo ra vết sần sùi như vỏ cam trên bề mặt sơn.

Vết sơn bị chảy: Tương tự vỏ cam, vết sơn bị chảy giọt và khô lại khi kỹ thuật sơn nhanh sai cách hoặc phòng làm khô sơn không đủ chất lượng.

Lớp sơn không đủ độ bóng: Sau một thời gian, lớp phủ trên bề mặt bị tác động dẫn đến không bóng đều hoặc do lớp sơn phủ ban đầu quá mỏng, quá dày ở các khu vực không đồng đều nhau.

Mắt cá: Lớp sơn bị rỗ do bề mặt trước khi sơn không được làm sạch (chứa dầu mỡ, bụi bẩn, silicone) hoặc do phòng sơn không đảm bảo chất lượng. Những chất bám bẩn này vô tình cản trở quá trình phun sơn, khiến sơn không thể tiếp cận với lớp nền tạo ra khiếm khuyết trên.

Bụi sơn: Bụi sơn từ những công trình đang thi công bám cứng vào lớp sơn xe. Nếu có bụi sơn trên bề mặt, bạn nên sử dụng đất sét tẩy bụi sơn để đảm bảo bề mặt không bị rỗ khi chịu áp lực của máy đánh bóng.

Lưu ý: Đánh bóng sơn xe ô tô không có khả năng loại bỏ các vết trầy xước đã đi qua lớp sơn nền bên dưới.

Đánh bóng sơn xe ô tô cần chuẩn bị gì?

Đánh bóng sơn xe ô tô là công đoạn phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật từ người thực hiện. Bên cạnh đó, các sản phẩm, dụng cụ chuyên dụng rất cần thiết cho mỗi giai đoạn hiệu chỉnh sơn. Nếu thiếu hoặc sử dụng chúng sai cách sẽ để lại hậu quả khôn lường. Về cơ bản, quá trình đánh bóng sơn chuyên nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, sản phẩm như sau:

Máy đánh bóng sơn xe ô tô.

Xi đánh bóng (hợp chất cắt, mài mòn, hoàn thiện lớp sơn).

Phớt đánh bóng, phớt cắt, phớt chứa xi đánh bóng.

Khăn lau microfiber chuyên dụng.

Phân loại hợp chất xi đánh bóng sơn xe ô tô

Hợp chất xi đánh bóng được sử dụng để làm sạch, tăng độ bóng cũng như loại bỏ những khuyết điểm trên bề mặt sơn của xe. Chúng có thể được sử dụng để:

Xóa vết xước, vết xoáy mờ, vết trầy xước trên kính (nếu chất tẩy rửa kính không hoạt động.

Loại bỏ vết bẩn hoặc cặn oxy hóa nhẹ khỏi hầu hết các lớp hoàn thiện ô tô.

Làm mịn các vết trầy xước và trầy xước sâu hơn.

Xử lý những khuyết tật sơn khác, ít nghiêm trọng hơn trên những chiếc xe mới.

Lớp sơn “cứng” và “mềm” thực sự khác nhau giữa các nhà sản xuất xe hơi. Trong khi Audi, Mercedes, Volkswagen và BMW đều khá nổi tiếng với việc tạo ra những chiếc xe có nước sơn “cứng”. Nhưng ngược lại, các nhà sản xuất như Mazda, Toyota, Honda và Porsche sản xuất những chiếc xe có “nước sơn mềm mại” hơn.

Vì vậy, rất có thể xi đánh bóng sẽ có khả năng loại bỏ một lượng lớp sơn trong suốt nhất định trên một chiếc Porsche. Nhưng cùng một xi đánh bóng có thể sẽ không thể loại bỏ cùng một lượng sơn trong suốt trên một chiếc Audi. Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin tham khảo. Nếu bạn sở hữu một chiếc BMW đời mới, không có nghĩa là xe của bạn có “nước sơn cứng” và bạn nên sử dụng hợp chất mạnh hơn. Tốt nhất là luôn bắt đầu với cách tiếp cận nhẹ nhàng nhất, và tăng dần cấp độ xi đánh bóng cần sử dụng.

Xi đánh bóng được chia làm nhiều loại: Có loại ít mài mòn, có loại mài mòn mạnh và loại mài mòn trung bình. Tuy nhiên, chúng được chia theo 3 giai đoạn hiệu chỉnh sơn ô tô cơ bản như sau:

Xi đánh bóng mài mòn cao (xi đánh bóng bước 1): Chứa lượng chất mài mòn cao, cứng hơn với kích thước hạt lớn. Chúng có khả năng làm phẳng các vết trầy xước nghiêm trọng và phục hồi bề mặt xe bị lớn.

Xi đánh bóng trung bình (xi đánh bóng bước 2): Chứa hàm lượng chất mài mòn thấp hơn nhiều so với loại xi đánh bóng bước 1. Chúng có khả năng làm sạch tương tự giấy nhám p2000, mài mòn nhỏ các cạnh vết xước sau khi dùng xi bước 1, để tạo điều kiện thuận lợi cho bước đánh bóng hoàn thiện lớp sơn cuối cùng.

Xi đánh bóng ít mài mòn/ xi hoàn thiện (xi đánh bóng bước 3): Được sử dụng để tăng cường lớp sơn hoàn thiện và tăng độ bóng, giúp loại bỏ các khuyết điểm nhẹ hơn còn sót lại trên bề mặt. Nhưng chúng không đủ mạnh để loại bỏ hầu hết các khuyết điểm sơn mức độ trung bình trở lên.

Xi đánh bóng bước 1

Xi đánh bóng bước 1 là hỗn hợp chất lỏng hoặc bột nhão rất mạnh, sử dụng một số loại chất mài mòn để cắt hoặc mài mòn lớp sơn một cách nhanh chóng. Hợp chất xi đánh bóng bước 1 được sử dụng trong giai đoạn đầu tiên của quá trình hiệu chỉnh sơn nhằm loại bỏ các khiếm khuyết sơn sâu bên dưới bề mặt như vết xoáy, vết trầy xước và vết ăn mòn do nước,…

Tùy thuộc vào công nghệ mài mòn và phương pháp cũng như thành phần pha trộn, một số xi đánh bóng bước 1 sử dụng cho quá trình hiệu chỉnh sơn có độ mịn tương tự như sử dụng giấy nhám 1200 grit trở xuống. Tất nhiên, độ cứng của lớp sơn phủ trên cùng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của hợp chất trong việc loại bỏ các lỗi sơn này.

Trong quá trình hiệu chỉnh sơn, hợp chất xi đánh bóng càng nhiều chất mài mòn thì càng cần nhiều lần đánh bóng tiếp theo để khôi phục lại lớp hoàn thiện bằng phẳng.

Xi đánh bóng bước 2

Hợp chất xi đánh bóng bước 2 mang đến khả năng mài mòn trung bình, thường được pha chế với hàm lượng chất mài mòn giảm dần. Thành phần hóa chất đặc biệt này chứa các hạt mài mòn lớn và chúng bắt đầu giảm hiệu suất mài mòn theo thời gian thực hiện.

Khi đó, các hạt sẽ vụn vỡ nhỏ dần ra trong quá trình hiệu chỉnh sơn bước 2. Chúng sẽ giúp làm phẳng một phần các vết cắt sâu do giai đoạn hiệu chỉnh sơn bước 1 trước đó để lại. Ngoài ra, hợp chất xi đánh bóng trung bình còn giúp tăng thêm độ bóng phần nào. Sau khi áp dụng, quá trình hiệu chỉnh sơn giai đoạn 2 bằng xi đánh bóng bước 2 có thể để lại vết xoáy (hologram, quầng vện xoáy,…).

Tùy thuộc vào công nghệ mài mòn, phương pháp và vật liệu ứng dụng, một số hợp chất xi đánh bóng bước 2 sử dụng cho quá trình hiệu chỉnh sơn bước 2 có độ mịn từ 1200-2000 grit và giúp giảm bớt các vết xoáy xước mức độ trung bình trở lên. Độ cứng của lớp sơn phủ ngoài là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của xi đánh bóng mức độ trung bình trong việc loại bỏ các khiếm khuyết sơn bên dưới bề mặt.

Xi đánh bóng bước 3 (hoàn thiện)

Hợp chất xi đánh bóng bước 3 được sử dụng trong giai đoạn cuối cùng của quá trình hiệu chỉnh sơn ô tô, giúp loại bỏ các vết trầy xước xoáy ở mức độ nhẹ trở xuống, đồng thời để lại lớp sơn bóng hoàn thiện bên trên. Ngoài ra, chúng có thể được sử dụng như một hợp chất làm phẳng và đánh bóng (chỉ một bước) hoặc tiền thân của quá trình chuẩn bị phủ các lớp bảo vệ sơn như lớp sáp, sealant, ceramic,…

Tùy thuộc vào công nghệ mài mòn, phương pháp và vật liệu ứng dụng, một số hợp chất xi đánh bóng bước 3 sử dụng cho quá trình hiệu chỉnh sơn bước 3 có độ mịn 2000 grit trở lên và giúp hoàn thiện bề mặt hơn. Độ cứng của lớp sơn phủ ngoài là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của xi đánh bóng mịn trong việc loại bỏ các khuyết tật bên dưới bề mặt.

Phân loại phớt đánh bóng sơn xe ô tô

Phớt đánh bóng sơn xe ô tô là miếng đệm nhỏ hình tròn được sử dụng để đánh bóng hoặc mài nhẵn bề mặt sơn gặp lỗi và các vật liệu cứng khác (kim loại) bằng máy đánh bóng chuyên dụng. Chúng thường được chia làm 3 loại: mút, len hoặc sợi nhỏ.

Một số miếng phớt đánh bóng được thiết kế riêng để đánh bóng bằng tay, trong khi một số được sản xuất cho từng giai đoạn đánh bóng bằng máy khác nhau. Loại phớt này có hiệu quả tương tự như giấy nhám mịn, nhưng hiệu quả hơn ở chỗ: ngoài khả năng giúp loại bỏ bụi bẩn, chúng còn mang lại bề mặt nhẵn, phẳng nhanh chóng, ít tốn thời gian hơn.

Nếu bạn đang đánh bóng hoặc phủ sáp lên bề mặt, bạn nên sử dụng phớt đánh bóng vì chúng có khả năng thấm hút, mềm dẻo và tạo lớp bảo vệ giữa tay bạn với bề mặt và vật liệu bạn đang thực hiện. Trong khi đó, bụi sơn từ việc chà giấy nhám có thể gây hại đến sức khỏe người sử dụng.

Phớt đánh bóng bằng mút, xốp (Foam Pad)

Đúng như tên gọi, loại phớt này được làm bằng xốp/mút. Hiện có hai loại phớt đánh bóng ô tô bằng mút khác nhau, đó là:

Đệm mút dạng lưới: dành cho máy đánh bóng tác động kép.

Đệm mút không có lưới: dùng cho máy đánh bóng đồng tâm.

Tùy thuộc vào độ cứng của chúng, những miếng đệm này được sử dụng để cắt phá khuyết tật sơn, đánh bóng và hoàn thiện bề mặt sơn. Phớt càng cứng thì càng mài mòn được nhiều. Ngược lại, các phớt mút đánh bóng sơn xe ô tô mềm hơn được sử dụng để đánh bóng và hoàn thiện bề mặt, dùng để xóa các vết xoáy có mức độ nhẹ.

Phớt đánh bóng bằng len (Wool Pad)

Phớt len là một trong những loại phớt đánh bóng sơn xe ô tô phổ biến nhất. Chúng phổ biến vì sức mạnh công phá (cắt) cao. Những miếng phớt này lý tưởng cho quy trình hiệu chỉnh sơn bước một (xóa xước mạnh) và phù hợp nhất đối với những chiếc xe có lớp sơn cứng.

Phớt len có nhiều loại: Một số được làm từ len nguyên chất; trong khi một số khác là pha trộn giữa hỗn hợp của len và vật liệu tổng hợp; hoặc bằng sợi bông hoặc lông cừu. Chúng có khả năng loại bỏ các vết xước xoáy lớn hoặc vết oxy hóa trên sơn. Bên cạnh đó, phớt đánh bóng ô tô bằng len giúp xóa sạch các vết xước sâu tốt hơn nhiều so với phớt mút và tạo ra ít nhiệt hơn.

Phớt len có khả năng mài mòn các bề mặt thô và trung bình, tạo ra vết cắt sâu và độ hoàn thiện thấp. Đối với hỗn hợp mạnh, khi bạn muốn có lớp hoàn thiện tốt hơn hoặc khi bạn chưa thực hiện chà nhám và bạn muốn loại bỏ khuyết tật sơn nhanh chóng, phớt đánh bóng ô tô bằng len ​​là một lựa chọn hoàn hảo.

Phớt đánh bóng bằng sợi nhỏ (Microfiber Pad)

Phớt đánh bóng này được làm bằng vải sợi cực nhỏ. Phớt sợi nhỏ mạnh nhất và chỉ được sử dụng trên các nền sơn cứng. Tuy nhiên, chúng không phổ biến lắm trong cộng đồng detailing có thể là do chúng có xu hướng nhanh chóng tích tụ cặn xi, cặn sơn, nhanh chóng hư hỏng.

Phớt sợi nhỏ chỉ được sử dụng cho mục đích pha trộn hỗn hợp đánh bóng và áp dụng trên các lớp phủ cứng trong suốt. Máy đánh bóng tác động kép hoặc máy đánh bóng quỹ đạo cưỡng bức ngẫu nhiên có thể dùng loại phớt này. Ngược lại, máy đánh bóng đồng tâm không thể sử dụng chúng.

Phân loại máy đánh bóng sơn xe ô tô

Máy đánh bóng sơn xe ô tô được sử dụng để loại bỏ các vết xước và vết không hoàn hảo khỏi lớp sơn, với sự trợ giúp của hợp chất xi đánh bóng và phớt. Các vết trầy xước và vết xoáy có thể xuất hiện trên bề mặt xe của bạn do bị nhiễm bẩn trong quá trình rửa chẳng hạn như sạn cọ xát trên bề mặt sơn hoặc sấy khô không đúng cách. Máy đánh bóng sẽ loại bỏ những điểm không hoàn hảo này và làm nhẵn bề mặt sơn. Qua đó tạo ra lớp sơn hoàn thiện, hoàn hảo cho việc bôi sáp hoặc các lớp phủ bảo vệ khác.

Có ba loại máy đánh bóng sơn xe ô tô phổ biến nhất trong ngành Detailing chăm sóc xe:

Máy đánh bóng sơn xe ô tô loại đồng tâm.

Máy đánh bóng sơn xe ô tô loại tác động kép.

Máy đánh bóng sơn xe ô tô loại có quỹ đạo xoay cưỡng bức.

Máy đánh bóng sơn xe ô tô đồng tâm (Rotary Polisher)

Rotary Polisher là loại máy đánh bóng đồng tâm (tên gọi khác ở Việt Nam là máy đánh bóng 1 tua/ 1 chiều) có một đầu quay quay theo chuyển động tròn. Loại máy này là một công cụ mạnh mẽ giúp loại bỏ các vết xoáy nặng, vết trầy xước và quá trình oxy hóa một cách nhanh chóng.

Bộ đệm quay chỉ quay theo một chiều cho dù bạn ấn chúng xuống lớp sơn bao nhiêu lực, chúng sẽ tiếp tục quay ở tốc độ đã cài đặt. Rotary Polisher cũng quay theo quỹ đạo không đổi, tạo ra vết cắt mạnh hơn nhưng sinh nhiều nhiệt hơn. Vì máy đánh bóng đồng tâm chỉ quay theo một hướng nên bạn sẽ phải khó khăn hơn trong việc di chuyển bộ đệm trên lớp sơn, nếu không cẩn thận sẽ khiến lớp sơn nóng lên và cháy xém.

Máy đánh bóng đồng tâm có quỹ đạo quay tròn với tốc độ cao. Chúng được gọi là đồng tâm vì đầu quay trên một trục với tốc độ quay thường từ 600 – 3000 vòng/phút. Chuyển động đơn lẻ này cho phép chúng làm phẳng các “cạnh” vết xước trên lớp sơn trong suốt. Hầu hết những kỹ thuật viên chăm sóc xe đều sử dụng máy đánh bóng ô tô loại đồng tâm nếu muốn loại bỏ hoàn toàn vết xước sâu.

Máy đánh bóng sơn xe ô tô tác động kép (Dual Action Polisher)

Dual Action Polisher là loại máy đánh bóng tác động kép ra đời sau để khắc phục nhược điểm của máy đánh bóng đồng tâm. Chúng có đầu quay dao động theo chuyển động tròn và an toàn hơn khi sử dụng, vì ít có khả năng làm cháy sơn. Tuy nhiên, chúng có thể không hiệu quả trong việc loại bỏ các khuyết điểm nặng như máy đánh bóng đồng tâm.

Trái ngược với máy đánh bóng đồng tâm quay theo một chiều duy nhất, máy đánh bóng tác động kép (máy 2 tua) quay trên các quỹ đạo hình elip khác nhau. Do đó, chúng phân phối nhiệt đều hơn, an toàn với lớp sơn. Do đó, bạn có thể giữ máy đánh bóng này quay tại một điểm duy nhất mà không làm cháy lớp sơn xe.

Điểm đặc biệt ở máy đánh bóng tác động kép bởi chuyển động của đầu quay:

Chuyển động 1: Quay trên một trục xoay trung tâm.

Chuyển động 2: Trục xoay trung tâm quay quanh một điểm lệch tâm.

Ở máy đánh bóng tác động kép, có chứa các đối trọng bên trong, nằm đối diện với tấm lót để cân bằng trọng lượng của phớt đánh bóng và bộ đệm, tránh bị lắc. Tuy nhiên, vì giới hạn số vòng quay nên máy sẽ quay chậm hơn với  lực mài mòn sẽ kém hơn so với máy đồng tâm. Vì thế, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để loại bỏ các vết trầy xước ở mức độ trung bình và các vết sơn không hoàn hảo.

Quá trình máy đánh bóng quay và quay theo quỹ đạo của phớt đánh bóng tạo ra chuyển động “lắc lư”. Chuyển động bất thường này sẽ giúp ngăn máy đánh bóng đốt cháy lớp sơn phía trên, an toàn hơn so với máy đánh bóng đồng tâm. Ngoài ra, máy đánh bóng tác động kép rất thân thiện với người sử dụng vì chúng tạo ra rất ít nhiệt so với máy đánh bóng đồng tâm.

Máy đánh bóng sơn xe ô tô quỹ đạo xoay cưỡng bức (Forced Rotation Polisher)

Forced Rotation Polisher là sự kết hợp giữa các tính năng của máy đánh bóng đồng tâm và tác động kép. Vòng quay cưỡng bức được thiết kế giống như máy đánh bóng tác động kép, quay theo các quỹ đạo hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt duy nhất là xoay với quỹ đạo cưỡng bức.

So với máy đánh bóng tác động kép, nếu bạn nhấn máy xuống bề mặt sơn, chúng sẽ ngừng quay. Ngược lại, ở máy đánh bóng quỹ đạo xoay cưỡng bức cũng giống như máy đồng tâm, chúng sẽ không ngừng quay cho dù bạn có sử dụng lực nhấn xuống. Do lực quay không đổi và có tốc độ quay khá cao, bạn có thể thu được kết quả mài mòn bề mặt tốt hơn so với máy tác động kép,  nhưng cũng có thể gặp rủi ro làm cháy sơn xe.

Khác với máy đánh bóng đồng tâm vì vẫn quay theo các quỹ đạo khác nhau, máy Forced Rotation Polisher phân bổ nhiệt đều hơn trên lớp sơn. Tóm lại, máy đánh bóng có quỹ đạo xoay cưỡng bức mang lại hành động hiệu quả mài mòn tốt hơn so với máy đánh bóng tác động kép, nhưng an toàn hơn so với máy đánh bóng đồng tâm.

Những rủi ro khi đánh bóng sơn xe ô tô

Trước khi đánh bóng sơn xe ô tô hoặc sử dụng bất kỳ kỹ thuật sửa chữa nào trên lớp sơn, điều quan trọng là phải hiểu những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra. Đánh bóng là một quá trình không thể đảo ngược, một khi bạn đã loại bỏ một lớp sơn trong suốt, bạn sẽ không thể lấy lại được chúng.

Không nên đánh bóng sơn xe ô tô tại nhà

Lớp sơn trong suốt (lớp bảo vệ sơn) có vai trò bảo vệ vì chúng nằm trên lớp sơn màu, nhằm hạn chế khỏi tia cực tím có hại, bụi bẩn, cặn bẩn và các chất gây ô nhiễm khác để giúp màu sơn luôn được duy trì. Chỉ nên loại bỏ một lớp sơn trong bằng cách đánh bóng khi cần thiết và thận trọng trong quá trình thực hiện. Tránh thực hiện quá trình đánh bóng nhiều lần, vì có thể khiến bạn phải sơn lại toàn bộ chiếc xe, do lớp sơn dần mỏng hơn.

Vì bạn không thể nhìn thấy độ dày của lớp sơn trong suốt bằng mắt thường nên cách tiếp cận an toàn nhất là sử dụng thước đo độ sâu sơn. Điều này cho phép bạn có được một số thông tin về độ dày của chúng mà bạn có thể loại bỏ một cách an toàn. Khi bạn biết mình đang xử lý bao nhiêu phần sơn gặp lỗi, cách tiếp cận tốt nhất là ít tác động mạnh lên chúng, sau đó nếu cần sử dụng nhiều chất mài mòn hơn, bạn có thể tăng cường kỹ thuật đó.

Cana là sản phẩm đa dụng (xi) dùng để đánh bóng cho nhiều bề mặt như giày, nhựa, gỗ. Tuy nhiên, chúng không phù hợp để đánh bóng lớp sơn ô tô vì:

Cana chứa chất mài mòn mạnh gây hư hỏng lớp sơn trong suốt.

Thành phần trong Cana (phổ biến) chỉ có thể làm sạch các vết bẩn nhẹ, lấp vết bẩn nhỏ vì chúng có độ mịn khoảng 4000 grit.

Thay vì sử dụng Cana, bạn có thể đánh bóng và phủ thêm lớp sáp an toàn, mang lại hiệu quả cao hơn.

Đánh bóng Cana thường xuyên sẽ khiến lớp sơn bị bạc màu, loang lổ màu,… và chúng không phải là phương pháp duy trì độ bóng lâu dài.

Nên đánh bóng sơn xe ô tô khi nào?

Việc đánh bóng sơn xe ô tô không nên thực hiện thường xuyên. Quá trình đánh bóng sẽ dần bào mòn lớp sơn, đặc biệt là một phần lớp sơn bảo vệ bề mặt. Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia detailing thế giới, bạn nên đánh bóng sơn xe từ 12-15 tháng/lần để duy trì vẻ ngoài bóng loáng của chiếc xe.

Nếu xe đã phủ Ceramic hoặc Graphene, chúng tôi khuyên bạn không nên đánh bóng bề mặt sơn nếu không có bất kỳ khiếm khuyết nào xuất hiện. Nếu có bất kỳ lỗi sơn nào có trên bề mặt, bạn nên đưa xe đến bảo hành lớp phủ bảo vệ sơn (kiểm tra thời hạn bảo hành). Khi xe đã hết hạn bảo hành lớp phủ bảo vệ sơn, việc đánh bóng sơn xe ô tô lúc này sẽ giúp chiếc xe bóng đẹp trở lại, loại bỏ một phần lớp bảo vệ đã bị bào mòn theo thời gian và phủ lại chúng (nếu bạn có nhu cầu).

Hy vọng với những thông tin hữu ích trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được cơ bản những kiến thức về “Đánh bóng sơn xe ô tô”:

Thuật ngữ đánh bóng sơn

Những khiếm khuyết sơn mà đánh bóng có thể loại bỏ

Dụng cụ, sản phẩm chuyên dụng hỗ trợ quá trình đánh bóng ô tô

Rủi ro khi đánh bóng sơn xe ô tô

Khoảng thời gian cần thiết để đánh bóng ô tô

Các sản phẩm, dụng cụ mà chúng tôi sử dụng đều thuộc những thương hiệu nổi tiếng nhất tiêu biểu như máy đánh bóng (Rupes, Makita), xi đánh bóng chất lượng cao 3 bước (CCC Cutting Compound) cũng như một số loại khăn microfiber nhập khẩu từ Hàn Quốc và nhiều dụng cụ chuyên dụng khác,…

LIÊN HỆ NGAY HÂN GIA AUTO:

1. Truy cập website: voxehangia.com

2. Truy cập Fanpage: facebook.com/VoXeHanGia

3. Đặt lịch qua zalo: 0907456887

4. Đến trực tiếp tại địa chỉ: 38 Nguyễn Thị Thập, Phường Bình Thuận, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh